(PetroTimes) - Việc “nhanh nhảu” trong vụ “hạ sát”
tới 2000 cây xanh, chỉ trong có vài ngày, chứng tỏ các cơ quan chức
năng của thành phố Hà Nội có khả năng xử lý công việc một cách “nhanh
nhẹn” chứ không trì trệ như người dân lâu nay vẫn phàn nàn.
Hàng loạt cây trên đường Nguyễn Chí Thanh bị chặt hạ.
Chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng
là trì trệ, chậm chạp và độ chuyên nghiệp, năng động thì thua xa các
thành phố khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Bộ máy làm việc
của các cấp chính quyền Hà Nội cực kỳ quan liêu, mang nặng tư duy thời
bao cấp và đối với dân thì luôn " hành là… chính"!
Tuy nhiên, trong vụ "thảm sát" cây xanh có tổ chức này, thì các cơ quan
chức năng liên quan đến "dự án thay cũ đổi mới cây xanh" lại thể hiện
một động thái nhanh, quyết liệt, mạnh mẽ và cả… âm thầm.
Chỉ trong một thời gian ngắn mà lực lượng chỉnh trang đô thị đã “chặt
phăng” khoảng 2.000 cây, trong đó có rất nhiều cây cổ thụ, cây có giá
trị.
Lực lượng này làm việc nhiệt tình chưa từng thấy, làm việc cả ngày lẫn
đêm, làm việc dưới áp lực cao (trong tình trạng vừa làm vừa nghe dân
chửi).
Điều này cho thấy các lực lượng chỉnh trang đô thị của thành phố cũng
“không phải hạng vừa”. Chỉ có điều lâu nay chưa có cơ hội thể hiện!
Vụ chặt 6.700 cây xanh nếu không bị người dân và dư luận chặn lại thì
có thể coi là một cuộc “thảm sát” cây chưa từng thấy ở các thành phố
lớn. Tuy nhiên, chỉ riêng việc đã chặt phăng 2.000 gốc cây cũng đủ đưa
Hà Nội lên “đầu bảng” trong việc chặt phá cây xanh trong cả nước.
Trong buổi họp báo chiều ngày 20/3, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn
Quốc Hùng đã thông báo việc ngừng chặt phá cây xanh nhưng lại né tránh
tất cả các câu hỏi liên quan đến việc quy trách nhiệm. Lúc này, các cơ
quan báo chí mới lôi ra thông tin là chính quyền thành phố chịu “sức ép”
từ các nhà tài trợ nên phải khẩn trương làm.
Qua sự khẩn trương và mạnh mẽ lần này, người dân cứ thầm ước ao: Giá mà
từ trước đến nay, “các anh ấy” cũng chịu khó thế này thì bộ mặt đô thị
Hà Nội đâu có đến nỗi “nguệch ngoạc” như bây giờ.!
Người ta không thể không đặt dấu hỏi là tại sao họ lại thảm sát cây
"thần tốc" đến vậy. Và trong vụ thay cây này, ai sẽ là người … bán được
lắm cây nhất?
Cây xanh, nếu là cây trong vườn nhà anh, thì chặt hạ thế nào là tùy.
Nhưng cây trong ngoài đường, bằng tiền thuế của dân từ bao đời nay, là
bóng mát, là giữ môi trường, là tạo cảnh quan… thì muốn làm gì cũng phải
suy nghĩ, nghiên cứu cho thấu đáo. Còn như cái ông quan chức nào đó, mở
miệng ra bảo "chính quyền làm không cần phải hỏi dân", thì cũng nên cho
ông này đi nơi khác. Sao lại có thứ quan chức ăn nói hồ đồ đến vậy?
Có rất nhiều khuất tất trong vụ chặt hạ cây xanh này. Chúng ta hoan
nghênh tinh thần thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo,
và rất mong ông Chủ tịch cho điều tra làm rõ trách nhiệm của những tập
thể, cá nhân trong vụ " thảm sát" cây này.
Điều người dân muốn được biết một cách minh bạch là: Ai là người ký
duyệt cho vụ thảm sát cây này? Trước đó, đã có nghiên cứu khoa học nào
về việc thay cây này chưa? Một việc lớn đến như vậy mà tới Chủ tịch còn
không biết, vậy phải chăng Phó Chủ tịch đã lộng quyền? Số tiền phải bỏ
ra thay cây là bao nhiêu? Và số cây này được mua từ đâu? Và cuối cùng là
số gỗ của 6.700 cây (nếu được chặt sạch theo đúng kế hoạch) thì sẽ sử
dụng thế nào? Bán cho ai?
Và trước những hậu quả đã trông thấy, phải coi đây là một cuộc "phá hoại tài sản, phá hoại môi trường có tổ chức"
Nguyễn Như Phong
Phản hồi của độc giả:
Hào Anh (Hà Nội):
Đọc báo nghe cái thái độ của ông Phó chủ tịch thành phố mà lộn cả
ruột. Né là phải thôi, trả lời thẳng câu hỏi của phóng viên thì "lòi" ra
hết à, phải đậy lại chứ
M.Q (Hà Nội):
Đề nghị ông Phó chủ tịch đền cây đi. Làm sai thì bỏ tiền ra mà đền. Cứ làm ngơ thế này thì thảo nào ai cũng thích làm quan chức.
H.Minh (Hà Nội):
Ông Phó chủ tịch nói hay quá. Ông nói thế thì hòa cả làng à. 2000 cây xanh kia có mọc lại được không????
Thu Hải (Hải Phòng):
Có nhà tài trợ có khác, các bác máu hẳn lên. Đúng là không sức ép nào mạnh bằng sức ép tiền bạc.
Hoàng Hà (Hà Nội):Chỉ vài ngày mà họ triệt hạ tới cả vài nghìn cây xanh lâu năm. Nhìn mà muốn rớt nước mắt.
Minh Tâm (TP HCM):
Tụi mình là dân, tay lấm chân bùn mà biết gì việc làm của các sếp.
Khanhdo:
Ai là người thông qua vụ thảm sát cây này? Trách nhiệm thuộc về ai? Hay là hòa cả làng.
Ngọc Diệp (Thanh Hóa):
Đương nhiên rồi sẽ hòa cả làng thôi, bác Hùng bác ấy tránh trả lời
thì có nghĩa là cũng khó nói rồi. Các bác thông cảm cho công bộc của dân
nhé! Chức tước mới là quan trọng chứ cây cối ăn thua gì!
Minh Anh (Hà Nội):
Lấy danh nghĩa chỉnh trang thành phố để chặt hạ cây, một “kế hoạch”
thật khó mà chấp nhận. Người dân mà không lên tiếng, thử hỏi còn bao
nhiêu cây xanh bị chặt hạ.
Thanh Hòa (Bắc Ninh):
Không hiểu sao Sở Xây dựng có thể đưa ra một đề án “nhẫn tâm” với
cây xanh như thế. Trong khi các thành phố ở các nước trên thế giới đang
ra sức bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường thì Hà Nội - thành phố vốn tự
hào về những hàng cây rợp mát - lại bị cướp hết không gian xanh, lá phổi
điều hòa khí hậu.
Đức Long (Đống Đa - Hà Nội):
Cây xanh là một phần không thể thiếu trong không gian kiến trúc,
kết cấu hạ tầng của thành phố. Càng hiện đại, người ta lại càng phải ra
sức bảo vệ cây xanh. Đành rằng quy hoạch thành phố là chuyện cần làm,
nhưng triển khai như thế nào thì phải trưng cầu ý kiến. Những cây xanh
khỏe mạnh kia bị chặt không thương tiếc, liệu rằng mấy chục năm nữa mới
có thể có được một cây như vậy. Quy hoạch thì cũng cần nghĩ tới tương
lai. Hàng nghìn cây xanh kia bị chặt đi là hàng nghìn người phải hít thở
bầu không khí ô nhiễm khói bụi.
Lâm Tùng:
Ông Sở xây dựng Hà Nội ơi, ông có thống kê chính xác được trong số
6700 cây bị dự định chặt, có bao nhiêu cây bị già cỗi, sâu mục, cong
nghiêng, bao nhiêu cây ảnh hưởng giao thông hay gần chết không? Hay cứ
sướng lên là chặt thôi, tội đâu dân chịu.
Hùng Kụ (Hà Nội)
Chặt cây cũng là… phản động: Bác Hồ từng căn dặn:
"Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân". Và
chính Người, thưở sinh thời đã tự tay mình trồng rất nhiều cây xanh tại
những địa điểm nơi Người dừng chân trên bước đường công tác và thăm hỏi
đồng bào trong nước và quốc tế. Rồi từ lời dạy và tấm gương đó của Bác,
Tết trồng cây đã trở thành không chỉ là một phong trào thi đua cách mạng
mà là cả một thuần phong mỹ tục đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam từ suốt
giữa thế kỷ 20 cho tới tận ngày nay.
Thế mà, vào những ngày đầu năm 2015 này, nhè đúng khi Tết đến Xuân
sang, một số đơn vị ở các cơ quan hữu quan của thành phố Hà Nội đã dám
cả gan triển khai rầm rộ cái đề án quái đản dự kiến triệt phá đồng loạt
6.700 cây xanh ngay giữa lòng Thủ đô (trên thực tế họ đã kịp đốn chặt
500 cây)! Hỡi ôi! Xét tính chất của hành vi này trên các khía cạnh của
sự phá hoại tàn bạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường đô thị, vi phạm
trắng trợn Luật Thủ đô, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, đi ngược lại
nguyện vọng của hàng triệu người dân Thủ đô và đồng bào cả nước, phá vỡ
truyền thống Tết trồng cây cao đẹp của đất nước, làm trái với lời căn
dặn thiết thực và tấm gương cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ - một
số vị có trách nhiệm ở các cơ quan liên đới của thành phố Hà Nội - những
người đã chủ trì (chủ mưu?) đề ra và thực hiện không chút ngại ngần cái
đề án chặt phá cây xanh này - họ chắc chắn không mảy may oan uổng khi
bị coi là NHỮNG KẺ PHẢN ĐỘNG!
Tóm lại:
Bậc minh triết khai sinh ra Tết trồng cây
Lúc mất đi dân kính, dân thương, lập Lăng thờ phụng
Kẻ tiểu nhân chặt phá cây xanh ngay giữa mùa Xuân
Lúc chết ai người dành cho chúng mảnh ván thiên?!
Minh Tân:
Tôi cho rằng cần phải làm rõ xem 500 cây đã chặt phá hiện nay đã đi
về đâu. Một điều ai cũng nhận thấy số tiền bán số cây này không phải là
nhỏ (kể cả là bán làm củi), có như vậy mới tìm ra động cơ của người ra
quyết định này. Chúng ta không thể xem nhẹ việc này và cũng không loại
trừ có dấu hiệu của tham nhũng, lãng phí. Bởi vì, nếu không có tiếng nói
của dư luận, báo chí thì:
1. Hơn 6.700 cây sẽ bị chặt phá bán cho ai?
2. Đầu tư trồng mới số cây này thì ai được lợi?
Đấy là chưa nói đến việc hủy hoại môi trường sống.
2. Đầu tư trồng mới số cây này thì ai được lợi?
Đấy là chưa nói đến việc hủy hoại môi trường sống.
Tôi đề nghị phải xử lý đến nơi đến chốn.
Hải Yến:
Dù có hoàn lại tiền gấp trăm lần thì cây xanh cũng không thể sống
trở lại, phải mất vài chục năm nữa cây mới mọc to được như vậy, sao lại
có loại người như vậy.
Dương Xuân:
Tôi thấy nhiều đô thị các nước họ gắn biển lên cây, đặc biệt cây cổ
thụ, cây di sản; ai xâm phạm sẽ phải xử lý theo pháp luật. Sao Hà Nội
lại có kiểu triệt hạ hàng ngàn cây như vậy. Đề nghị vấn đề này coi như
tội "phá hoại" phải nghiên cứu xử lý theo pháp luật và nếu cần phải truy
cứu trách nhiệm hình sự.