Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Có nên coi việc chặt cây xanh ở Hà Nội là "phá hoại có tổ chức" hay không?

(PetroTimes) - Việc “nhanh nhảu” trong vụ “hạ sát” tới  2000 cây xanh, chỉ trong có vài ngày, chứng tỏ các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội có khả năng xử lý công việc một cách “nhanh nhẹn” chứ không trì trệ như người dân lâu nay vẫn phàn nàn.
Có nên coi việc chặt cây xanh ở Hà Nội là
Hàng loạt cây trên đường Nguyễn Chí Thanh bị chặt hạ.
Chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là trì trệ, chậm chạp và độ chuyên nghiệp, năng động thì thua xa các thành phố khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Bộ máy làm việc của các cấp chính quyền Hà Nội cực kỳ quan liêu, mang nặng tư duy thời bao cấp và đối với dân thì luôn " hành là… chính"!
Tuy nhiên, trong vụ "thảm sát" cây xanh có tổ chức này, thì các cơ quan chức năng liên quan đến "dự án thay cũ đổi mới cây xanh" lại thể hiện một động thái nhanh, quyết liệt, mạnh mẽ và cả… âm thầm.
Chỉ trong một thời gian ngắn mà lực lượng chỉnh trang đô thị đã “chặt phăng” khoảng 2.000 cây, trong đó có rất nhiều cây cổ thụ, cây có giá trị.
Lực lượng này làm việc nhiệt tình chưa từng thấy, làm việc cả ngày lẫn đêm, làm việc dưới áp lực cao (trong tình trạng vừa làm vừa nghe dân chửi).
Điều này cho thấy các lực lượng chỉnh trang đô thị của thành phố cũng “không phải hạng vừa”. Chỉ có điều lâu nay chưa có cơ hội thể hiện!
Vụ chặt 6.700 cây xanh nếu không bị người dân và dư luận chặn lại thì có thể coi là một cuộc “thảm sát” cây chưa từng thấy ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, chỉ riêng việc đã chặt phăng 2.000 gốc cây cũng đủ đưa Hà Nội lên “đầu bảng” trong việc chặt phá cây xanh trong cả nước.
Trong buổi họp báo chiều ngày 20/3, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã thông báo việc ngừng chặt phá cây xanh nhưng lại né tránh tất cả các câu hỏi liên quan đến việc quy trách nhiệm. Lúc này, các cơ quan báo chí mới lôi ra thông tin là chính quyền thành phố chịu “sức ép” từ các nhà tài trợ nên phải khẩn trương làm.
Qua sự khẩn trương và mạnh mẽ lần này, người dân cứ thầm ước ao: Giá mà từ trước đến nay, “các anh ấy” cũng chịu khó thế này thì bộ mặt đô thị Hà Nội đâu có đến nỗi “nguệch ngoạc” như bây giờ.­!
Người ta không thể không đặt dấu hỏi là tại sao họ lại thảm sát cây "thần tốc" đến vậy. Và trong vụ thay cây này, ai sẽ là người … bán được lắm cây nhất?
Cây xanh, nếu là cây trong vườn nhà anh, thì chặt hạ thế nào là tùy. Nhưng cây trong ngoài đường, bằng tiền thuế của dân từ bao đời nay, là bóng mát, là giữ môi trường, là tạo cảnh quan… thì muốn làm gì cũng phải suy nghĩ, nghiên cứu cho thấu đáo. Còn như cái ông quan chức nào đó, mở miệng ra bảo "chính quyền làm không cần phải hỏi dân", thì cũng nên cho ông này đi nơi khác. Sao lại có thứ quan chức ăn nói hồ đồ đến vậy?
Có rất nhiều khuất tất trong vụ chặt hạ cây xanh này. Chúng ta hoan nghênh tinh thần thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, và rất mong ông Chủ tịch cho điều tra làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân trong vụ " thảm sát" cây này.
Điều người dân muốn được biết một cách minh bạch là: Ai là người ký duyệt cho vụ thảm sát cây này? Trước đó, đã có nghiên cứu khoa học nào về việc thay cây này chưa? Một việc lớn đến như vậy mà tới Chủ tịch còn không biết, vậy phải chăng Phó Chủ tịch đã lộng quyền? Số tiền phải bỏ ra thay cây là bao nhiêu? Và số cây này được mua từ đâu? Và cuối cùng là số gỗ của 6.700 cây (nếu được chặt sạch theo đúng kế hoạch) thì sẽ sử dụng thế nào? Bán cho ai?
Và trước những hậu quả đã trông thấy, phải coi đây là một cuộc "phá hoại tài sản, phá hoại môi trường có tổ chức"
Nguyễn Như Phong
Phản hồi của độc giả:
Hào Anh (Hà Nội):
Đọc báo nghe cái thái độ của ông Phó chủ tịch thành phố mà lộn cả ruột. Né là phải thôi, trả lời thẳng câu hỏi của phóng viên thì "lòi" ra hết à, phải đậy lại chứ
M.Q (Hà Nội):
Đề nghị ông Phó chủ tịch đền cây đi. Làm sai thì bỏ tiền ra mà đền. Cứ làm ngơ thế này thì thảo nào ai cũng thích làm quan chức.
H.Minh (Hà Nội):
Ông Phó chủ tịch nói hay quá. Ông nói thế thì hòa cả làng à. 2000 cây xanh kia có mọc lại được không????
Thu Hải (Hải Phòng):
Có nhà tài trợ có khác, các bác máu hẳn lên. Đúng là không sức ép nào mạnh bằng sức ép tiền bạc.
Hoàng Hà (Hà Nội):
Chỉ vài ngày mà họ triệt hạ tới cả vài nghìn cây xanh lâu năm. Nhìn mà muốn rớt nước mắt.
Minh Tâm (TP HCM):
Tụi mình là dân, tay lấm chân bùn mà biết gì việc làm của các sếp.
Khanhdo:
Ai là người thông qua vụ thảm sát cây này? Trách nhiệm thuộc về ai? Hay là hòa cả làng.
Ngọc Diệp (Thanh Hóa):
Đương nhiên rồi sẽ hòa cả làng thôi, bác Hùng bác ấy tránh trả lời thì có nghĩa là cũng khó nói rồi. Các bác thông cảm cho công bộc của dân nhé! Chức tước mới là quan trọng chứ cây cối ăn thua gì!
Minh Anh (Hà Nội):
Lấy danh nghĩa chỉnh trang thành phố để chặt hạ cây, một “kế hoạch” thật khó mà chấp nhận. Người dân mà không lên tiếng, thử hỏi còn bao nhiêu cây xanh bị chặt hạ.
Thanh Hòa (Bắc Ninh):
Không hiểu sao Sở Xây dựng có thể đưa ra một đề án “nhẫn tâm” với cây xanh như thế. Trong khi các thành phố ở các nước trên thế giới đang ra sức bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường thì Hà Nội - thành phố vốn tự hào về những hàng cây rợp mát - lại bị cướp hết không gian xanh, lá phổi điều hòa khí hậu.
Đức Long (Đống Đa - Hà Nội):
Cây xanh là một phần không thể thiếu trong không gian kiến trúc, kết cấu hạ tầng của thành phố. Càng hiện đại, người ta lại càng phải ra sức bảo vệ cây xanh. Đành rằng quy hoạch thành phố là chuyện cần làm, nhưng triển khai như thế nào thì phải trưng cầu ý kiến. Những cây xanh khỏe mạnh kia bị chặt không thương tiếc, liệu rằng mấy chục năm nữa mới có thể có được một cây như vậy. Quy hoạch thì cũng cần nghĩ tới tương lai. Hàng nghìn cây xanh kia bị chặt đi là hàng nghìn người phải hít thở bầu không khí ô nhiễm khói bụi.
Lâm Tùng:
Ông Sở xây dựng Hà Nội ơi, ông có thống kê chính xác được trong số 6700 cây bị dự định chặt, có bao nhiêu cây bị già cỗi, sâu mục, cong nghiêng, bao nhiêu cây ảnh hưởng giao thông hay gần chết không? Hay cứ sướng lên là chặt thôi, tội đâu dân chịu.
Hùng Kụ (Hà Nội)
Chặt cây cũng là… phản động: Bác Hồ từng căn dặn: "Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân". Và chính Người, thưở sinh thời đã tự tay mình trồng rất nhiều cây xanh tại những địa điểm nơi Người dừng chân trên bước đường công tác và thăm hỏi đồng bào trong nước và quốc tế. Rồi từ lời dạy và tấm gương đó của Bác, Tết trồng cây đã trở thành không chỉ là một phong trào thi đua cách mạng mà là cả một thuần phong mỹ tục đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam từ suốt giữa thế kỷ 20 cho tới tận ngày nay.
Thế mà, vào những ngày đầu năm 2015 này, nhè đúng khi Tết đến Xuân sang, một số đơn vị ở các cơ quan hữu quan của thành phố Hà Nội đã dám cả gan triển khai rầm rộ cái đề án quái đản dự kiến triệt phá đồng loạt 6.700 cây xanh ngay giữa lòng Thủ đô (trên thực tế họ đã kịp đốn chặt 500 cây)! Hỡi ôi! Xét tính chất của hành vi này trên các khía cạnh của sự phá hoại tàn bạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường đô thị, vi phạm trắng trợn Luật Thủ đô, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, đi ngược lại nguyện vọng của hàng triệu người dân Thủ đô và đồng bào cả nước, phá vỡ truyền thống Tết trồng cây cao đẹp của đất nước, làm trái với lời căn dặn thiết thực và tấm gương cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ - một số vị có trách nhiệm ở các cơ quan liên đới của thành phố Hà Nội - những người đã chủ trì (chủ mưu?) đề ra và thực hiện không chút ngại ngần cái đề án chặt phá cây xanh này - họ chắc chắn không mảy may oan uổng khi bị coi là NHỮNG KẺ PHẢN ĐỘNG!
Tóm lại:
Bậc minh triết khai sinh ra Tết trồng cây
Lúc mất đi dân kính, dân thương, lập Lăng thờ phụng
Kẻ tiểu nhân chặt phá cây xanh ngay giữa mùa Xuân
Lúc chết ai người dành cho chúng mảnh ván thiên?!
Minh Tân:
Tôi cho rằng cần phải làm rõ xem 500 cây đã chặt phá hiện nay đã đi về đâu. Một điều ai cũng nhận thấy số tiền bán số cây này không phải là nhỏ (kể cả là bán làm củi), có như vậy mới tìm ra động cơ của người ra quyết định này. Chúng ta không thể xem nhẹ việc này và cũng không loại trừ có dấu hiệu của tham nhũng, lãng phí. Bởi vì, nếu không có tiếng nói của dư luận, báo chí thì:
1. Hơn 6.700 cây sẽ bị chặt phá bán cho ai?
2. Đầu tư trồng mới số cây này thì ai được lợi?
Đấy là chưa nói đến việc hủy hoại môi trường sống.
Tôi đề nghị phải xử lý đến nơi đến chốn.
Hải Yến:
Dù có hoàn lại tiền gấp trăm lần thì cây xanh cũng không thể sống trở lại, phải mất vài chục năm nữa cây mới mọc to được như vậy, sao lại có loại người như vậy.
Dương Xuân:
Tôi thấy nhiều đô thị các nước họ gắn biển lên cây, đặc biệt cây cổ thụ, cây di sản; ai xâm phạm sẽ phải xử lý theo pháp luật. Sao Hà Nội lại có kiểu triệt hạ hàng ngàn cây như vậy. Đề nghị vấn đề này coi như tội "phá hoại" phải nghiên cứu xử lý theo pháp luật và nếu cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lỗi điều hành đô thị

'Lỗi điều hành đô thị' trong vụ chặt cây xanh

Nguồn: BBC
Chặt cây xanh Hà Nội
Hà Nội đã đình chỉ chiến dịch chặt hạ cây xanh đô thị đang làm nóng dư luận.
Chiến dịch chặt cây xanh ồ ạt ở Hà Nội mới bị lãnh đạo thành phố quyết định đình lại là một 'tổn thất' với thủ đô, vừa thể hiện 'lỗi chính' của cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo thành phố về quy hoạch cảnh quan, cây xanh đô thị của Hà Nội, theo ý kiến trong giới kiến trúc sư từ Hà Nội.
Các nhà quản lý cần rút kinh nghiệm không để việc thiết kế ý tưởng đặt vào tay một cơ quan thực thi, chẳng hạn như Sở Xây dựng, trong khi đến lượt mình, Sở này lại giao việc thực thi quy hoạch về cây xanh cho một công ty 'kinh doanh' chuyên quan tâm tới triển khai số lượng trồng cây xanh mới, vẫn theo các ý kiến.
Trao đổi với BBC hôm 20/3/2015, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nói:
"Đây là một sự tổn hại rất đáng tiếc và Hà Nội phải rút kinh nghiệm việc này...
"Việc ấy đã phải đình lại rồi và đấy phải coi là một bài học cho tất cả...
"Chủ tịch Thành phố để xảy ra việc như thế cũng là việc đáng tiếc."
Khi được hỏi nếu đây là một quyết định chưa hợp lý, dẫn đến tổn thất cho không gian xanh của Hà Nội, thì việc xử lý hậu quả cần tiến hành ra sao, ông Nguyễn Trực Luyện nói thêm:
"Tất nhiên cây mà trồng vào mà nó còn bé thì làm sao mà nó có thể to và nó có bóng mát như cây lớn được.
"Cho nên cái chính là cũng phải vài ba chục năm nữa thì may ra mới có hiệu quả tương đương được.
"Thế còn bây giờ đương nhiên nó không thể nào thay thế cho cái cũ được," ông Luyện nêu quan điểm.

'Lỗi chính' ở ai?

Chặt cây
Phản ứng của người dân thể hiện trên các thông điệp trên một thân cây ở đường phố Hà Nội.
Cũng hôm thứ Sáu, một kiến trúc sư khác nói với BBC về điều mà ông cho là có 'lỗi chính' thuộc về khâu tham mưu, tư vấn cho thiết kế ý tưởng, điều hành quy hoạch cho lãnh đạo Hà Nội và đặt vấn đề cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trong chiến dịch 'chặt cây xanh' hàng loạt và quy mô lớn cấp tập, nhưng bất thành vừa rồi.
Kiến trúc sư Nguyễn Thúc Hoàng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nói:
"Hiện nay chức năng của Kiến trúc sư trưởng là Sở Kiến trúc & Quy hoạch, đứng về góc độ Sở Kiến trúc & Quy hoạch, đó là cái cũng có trách nhiệm trong vấn đề này.
"Bởi vì riêng về chuyện cây xanh đô thị, nó cũng quan trọng không khác gì kiến trúc, vì nó là một trong các thành phần hỗ trợ cho kiến trúc đô thị.
"Mà trong quy hoạch cũng có những cái ấn định về vấn đề này, cho nên Sở Kiến trúc & Quy hoạch phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này
"Khi giải quyết chuyện đầu tư thế nào, thiết kế thế nào, trồng cái gì, Sở đó phải có chỉ đạo, giúp cho Thành phố chỉ đạo việc đó.
"Chứ còn Sở Xây dựng chỉ làm nhiệm vụ thực thi, chứ Sở Xây dựng không chịu trách nhiệm về ý tưởng.
"Ý tưởng cây xanh, môi trường đô thị v.v... nằm trong kiến trúc quy hoạch,
"Cho nên không có Kiến trúc sư trưởng, nhưng vai trò của Kiến trúc sư trưởng nằm trong Sở Kiến trúc & Quy hoạch hiện nay," ông Nguyễn Thúc Hoàng nói với BBC.

'Bài học thời Pháp'

Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện nói với BBC về việc Hà Nội có thể vẫn phải học hỏi các nhà quy hoạch cảnh quan của Pháp khi thiết kế cảnh quan, cây xanh cho thành phố dù ở thời thuộc Đông Dương trong quá khứ.
Cựu Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói:
"Người Pháp người ta trồng, thì cũng trồng tùy theo từng tuyến phố, và chọn từng loại cây một. Chủ yếu nhất với họ, cây bóng mát là chủ yếu.
"Ngày xưa khi họ sang, họ thấy xứ của mình nóng thì họ chọn cây có tán rộng để che nắng.
"Tôi thấy họ làm rất hợp lý, nhờ thế nó tạo cho Hà Nội có dáng rất đặc biệt, mà người ta vẫn khen Hà Nội là cây xanh tốt.
"Nói thực là sau này mình cũng không giữ được như người Pháp nữa, bởi vì người Pháp người ta trồng trong những phố nội đô, về sau mình phát triển ra ngoại ô, ngoại vi nhiều hơn, cây cũng không trồng theo đúng từng cây phố có loại cây riêng mà nó cũng có hỗn tạp...
"Cây xanh có vai trò rất lớn, nó làm cho khí hậu mát mẻ đi, nó cung cấp ốc xi cho con người.
"Cho nên cây xanh rất quan trọng đối với đời sống đô thị. Đã nói đến đô thị tức là nói đến toàn bê-tông, nhựa đường, nó tản nhiệt nhiều lắm.
"Cho nên phải dùng cây xanh để giảm bớt bức xạ nhiệt đi nhiều," ông Luyện nhân dịp này nói về tác dụng của cây xanh ở đô thị.

'Chặt cây, lấp hồ'

Chặt cây
Chính quyền Hà Nội nói nhiều cây lớn phải chặt vì rễ nông, có thể gây ra tai nạn cho người dân.
Hôm thứ Sáu, kiến trúc sư Nguyễn Thúc Hoàng nêu quan điểm cho rằng Việt Nam cần 'rút kinh nghiệm' để tránh lặp lại vụ chặt cây mới đây, cũng như việc đã từng xảy ra vài năm gần đây, khi thành phố để xảy ra việc 'san lấp, ao hồ', thu hẹp diện tích mặt nước đô thị lấy chỗ cho xây dựng mặt bằng gây bất lợi cho môi sinh.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói:
"Trước đây mình bị một khuyết điểm khá lớn đó là lấp các hồ ao trong thành phố để mà lấy đất xây nhà cửa, các dự án.
"Cái đấy làm cho thành phố giảm mặt nước rất nhiều, cho nên là nhiệt độ không khí cũng tăng lên.
"Còn trong mấy năm vừa qua, một số khu đô thị mới, một số hồ cũ đã được giữ lại và bắt đầu cũng hoàn thiện cho tốt hơn.
"Tôi cho cái đó thành phố làm là tốt, còn bây giờ cũng không lấp ao hồ nữa. Chỉ có cái là hiện nay làm thế nào để giữ được mực nước vệ sinh là cái quan trọng.
"Thứ hai mức nước ở trong các hồ đó cũng phải đảm bảo thì nó mới giữ được độ sạch mặt nước, thì nó mới đảm bảo vi khí hậu được tốt."
Về vấn đề cây xanh ở Hà Nội, kiến trúc sư Thúc Hoàng nhân dịp này nêu thêm một vấn đề:
"Đứng ở góc độ thẩm mỹ, hiện nay cây cối ở đô thị... chưa thấy một ý tưởng gì rõ ràng, phố nào cây gì, để cho mang cái như một cái nhận biết để cho nó có đặc thù, chứ không phải phố nào cũng trồng cây giống nhau hoặc là cứ mỗi phố trồng 'lung tung' như hiện nay.
"Hiện nay, về ý tưởng trồng cây xanh ở Hà Nội, hoặc nói chung các thành phố khác lại càng chưa rõ,
"Trong kiến trúc, chúng tôi rất thích ý tưởng về vấn đề cây xanh, chứ không phải là cứ trồng theo kiểu bạ đâu trồng đấy mà chỉ đạt được bóng mát hoặc vấn đề là rễ rồi thì là khỏi đổ thế thôi.
"Chỉ mới quan tâm đến việc đó thì chưa đủ, mà phải quan tâm đến vấn đề thẩm mỹ nữa, mà đồng thời có những nhận biết về đô thị.
"Thí dụ như có những phố hoa sữa, rồi phố hoa phượng, rồi phố cây sấu... thì các phố có những cái đặc thù, ngày xưa đẹp nhất thời Pháp là phố Lò Đúc, các cây rất đẹp," cựu Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam nói thêm với BBC.

Tin liên quan

'Hà Nội như bị vặt lông'

 1
20 tháng 3 2015 Cập nhật lúc 23:45 ICT
''Giáo sư Cù Trọng Xoay'', một diễn viên hài truyền hình, tên thật là Đinh Tiến Dũng, từng tốt nghiệp ngành Cây trồng, cựu Chủ tịch Hội sinh viên khoa Nông học, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, vừa 'chế lại' bản 'Hà Nội những công trình' của cố nhạc sỹ Quốc Trường.
"Nhạc phẩm" này được đưa lên mạng khoảng một ngày trước khi UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu dừng việc chặt hạ thay thế cây xanh do áp lực được xem là từ người dân lẫn truyền thông trong nước.
Bản được chế này có đoạn:
"Những con đường giờ nắng rát mặt, Khắp phố phường hàng cây mới chặt, Gió xuân về, cuộn bay lá xanh, Gốc cây vết nhựa còn tươi.
"Nhớ những bóng mát trưa hè, Bao năm qua ta đi về, Nay ta cưa cây đi rồi, Chắc sẽ nhớ mãi khôn nguôi, Hà Nội rồi sẽ trơ bê tông, Như bị vặt lông.
"Có gỗ rồi, chẳng lo gỗ lậu, Mỗi chim trời là mất chỗ đậu, Những con người đang ra sức cưa, Nhân danh xây dựng Thủ đô."
Nguồn: BBC

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Va chạm kinh hoàng giữa tàu lửa và xe ben, lái tàu chết ngay trong cabin

Một vụ tai nạn hỏa xa đã xảy ra lúc 22h đêm ngày 10/3/2015, tàu lửa SE5 khởi hành từ Hà Nội đi Sài Gòn đã tông vào một chiếc xe ben chở đá với trọng tải lớn. Theo nguồn tin từ các tờ báo trong nước cho biết, lỗi này thuộc về tài xế lái xe ben khi người này dù nhận thấy cảnh báo tự động (đèn đỏ) nhưng vẫn cố điều khiển xe vượt qua con đường dân sinh.

Cali Today News - Vụ tai nạn xảy ra tại xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Cú va chạm nặng đến nỗi làm đứt đôi chiếc xe ben, trong khi đó, về phía tàu lửa, đầu tàu bị đứt lìa, chạy thêm một kilomet mới dừng lại, 3 toa tàu bị trật khỏi đường ray. Từ những thống kê ban đầu cho thấy, người lái tàu (tên Lê Minh Phú) đã tử vong ngay trong cabin và 3 người khác bị thương rất nặng hiện đang được đưa đi cấp cứu.
 
Phác họa lại vụ va chạm giữa tàu lửa và xe ben. Ảnh: Vnexpress
 
“Tôi đang nói chuyện với hành khách thì nghe tiếng ‘rầm’ rất to, mọi thứ trong toa đổ nhào, ai nấy đều hoảng hốt. Một số hành khách nam sau đó đã dùng vật cứng đập vỡ kính tàu để đưa mọi người ra ngoài”- một nạn nhân trong vụ tai nạn kinh hoàng trên nói với phóng viên báo VTC.
 
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, chính quyền đã huy động khoảng 100 cảnh sát đến hiện trường để giải quyết sự việc.
 
Có mặt tại hiện trường, Thượng tá Trần Đức Triệu, Trưởng Công an huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho phóng viên Người Lao Động biết: Tài xế xe ben tên Trần Gia Hải, ở thành phố Huế, thuộc doanh nghiệp vận tải Tuyết Liêm- Huế, nhưng do người này đang bị thương rất nặng hiện được cấp cứu tại bệnh viện trung ương Huế nên phía công an chưa thể điều tra để làm sáng tỏ nguyên nhân tai nạn.
 
Đầu tàu bị bẹp nhúm sau khi tông vào xe ben. Ảnh: Người Lao Động
 
Đến trưa ngày 11/3, sau một đêm đội cấp cứu đã đưa được thi thể lái tàu Lê Minh Phú ra ngoài, nạn nhân nhanh chóng được đưa về quê tại Huế để mai táng. Điều đặc biệt, sau khi đâm trực diện vào chiếc xe ben, đầu tàu đã mang theo thi thể của lái tàu trượt theo đường ray cách nơi xảy ra tai nạn cả cây số, đến gần ga Diên Sanh, nơi có người em trai của lái tàu đang làm việc tại đó.
 
Ông Lê Văn Quý, trường ga Diên Sanh, em trai của nạn nhân xấu số lúc này đang trực ở ga thẩn thờ như người mất hồn khi biết lái tàu chính là anh trai của mình.
 
Vụ tai nạn này khiến cho tuyến đường sắt Bắc Nam bị tê liệt. Cho đến ngày 11/3 vẫn chưa thông tuyến trở lại.
Sau khi vụ tai nạn kinh hoàng trên xảy ra, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia có công văn chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả, sửa chữa đường sắt để làm sao thông tuyến sớm nhất.
Chiếc trục cẩu cứu hộ của hỏa xa được điều đến để cấp cứu nhưng lại bị trật đường ray và nằm “ăn vạ”. Ảnh: Người Lao Động
 
Trước đó, vào ngày 7/3 cũng đã xảy ra một vụ tai nạn giữa tàu lửa với xe tải tại Bắc Giang khiến cho lái tàu bị gãy chân và 5 toa tàu bị lật. Từ nhiều năm nay, ở Việt Nam thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn giao thông liên quan đến tàu lửa, cho dù đây là phương tiện đi lại được coi là an toàn nhất. Tuyến đường sắt ở Việt Nam lâu nay không được nâng cấp, mở rộng mà chỉ thừa hưởng lại từ những gì mà người Pháp đã xây dựng trước đó. Từ sau năm 1986, chính quyền cho khôi phục lại tuyến đường sắt do bị hư hại trong thời chiến tranh. Bên cạnh đó cho lập nhiều chắn tàu nhằm giảm thiểu những tai nạn có thể xảy ra giữa tàu lửa với xe cộ đường bộ.
Vào năm 1992, chính phủ Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam, trong những khoản viện trợ này có giúp đỡ Việ Nam cải tạo và nâng cấp tuyến đường từ Hà Nội- Sài Gòn.
 
Người Quan Sát